Thẩm quyền chứng thực chữ ký của UBND cấp xã trên Biên bản họp gia đình có nội dung “thỏa thuận phân chia di sản thừa kế”
Sở Tư pháp nhận được văn bản đề nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của UBND cấp xã về việc người dân yêu cầu chứng thực chữ ký biên bản họp gia đình (nội dung Biên bản họp gia đình là dạng văn bản thoả thuận phân chia di sản, tài sản có nội dung là hợp đồng, giao dịch).
1. Quy định pháp luật về chứng thực chữ ký
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch: “3.“Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.”
Đồng thời, theo quy định về thủ tục chứng thực chữ ký tại khoản 1 và khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP:
“1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.
…
4. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản;
b) Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân;
c) Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật;
d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.”
Theo các quy định nêu trên, người dân có quyền yêu cầu UBND cấp xã chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản do mình tự lập theo quy định pháp luật.
2. Về nội dung Biên bản họp gia đình do người dân tự lập liên quan đến quyền sử dụng đất, trong đó có nội dung thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Căn cứ quy định về thẩm quyền chứng thực chữ ký của UBND cấp xã tại Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, theo đó UBND xã có thể chứng thực chữ ký trên Biên bản họp gia đình nhưng Biên bản sẽ không có giá trị pháp lý khi người dân thực hiện các thủ tục thừa kế về quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2014: “c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”; dẫn chiếu đến Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định cụ thể về mẫu Văn bản thỏa thuận phân chia di sản cũng như không có quy định về phương thức thực hiện văn bản này; theo đó quy định tại điểm h khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì UBND cấp xã thẩm quyền “Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này”, trình tự, thủ tục chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản là trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Do vậy, UBND cấp xã phải hướng dẫn, giải thích cho người dân hiểu giá trị của Biên bản họp gia đình khi được chứng thực chữ ký. Trong trường hợp người dân có đầy đủ hồ sơ theo quy định thì UBND cấp xã có thể hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục thỏa thuận phân chia di sản để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng đất được thừa kế theo pháp luật về đất đai./.