Sự thực "4 bí mật cần biết về điện thoại có thể cứu sống bạn lúc nguy cấp"

Thực tế thì không có một thủ thuật nào trong số này có thể giúp bạn sống lâu hơn dù chỉ 1 giây.
Thời gian gần đây, cư dân mạng nói chung và một số tín đồ công nghệ nói riêng đã và đang truyền tay nhau một bài viết không rõ nguồn gốc về 4 cách sử dụng điện thoại có thể cứu bạn lúc nguy hiểm cận kề. Những người đọc được bài viết này coi nó như một loại bí kíp mật tịch nào đó mà cả thế giới công nghệ cả trăm năm nay không hề... để ý đến.
Cá biệt một số người thân của chúng tôi còn lấy giấy bút ra, ghi lại cẩn thận từng dòng từng chữ của thủ thuật quá đỗi cao siêu này và cất gọn gàng trong ví chờ lúc "hiểm nguy cần cứu mạng" để lôi ra sử dụng như phim anh hùng cứu thế giới vậy.
Giải mã 4 thủ thuật siêu phàm
1. Thực hiện cuộc gọi khẩn cấp ở bất cứ đâu trên thế giới
Theo như hướng dẫn của bài viết được chia sẻ nói trên, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, dù dùng bất cứ loại mạng nào các bạn chỉ việc bấm số 112 là máy sẽ ngay lập tức kết nối tới một máy chủ cấp cứu gần nhất. Cách để chỉ ra cái sai của tip này khá đơn giản, bạn chỉ việc gọi thử 112 xem có ai đến cứu bạn dù ở bất cứ đâu hay không?
Theo như tìm hiểu của chúng tôi thì quả thực số điện thoại 112 được sử dụng để thực hiện những cuộc gọi khẩn cấp nhưng nó chỉ được sử dụng ở một số nước thuốc liên minh châu Âu EU chứ không phải trên toàn thế giới.
2. Mở cửa xe hơi từ xa khi quên chìa khóa
Như các bạn đã biết, Khóa cửa xe hơi phổ thông hiện nay có cơ chế tương tự với bộ điều khiển cửa cuốn đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, hầu hết các loại khóa đều sử dụng sóng RF (Radio Frequency) để truyền dẫn tín hiệu. Điểm khác nhau của Remote ô tô và remote cửa cuốn đó là độ bảo mật của khóa cửa xe hơi cao hơn rất nhiều.
Theo như thủ thuật mà bài viết được cộng đồng chia sẻ rất mạnh kia viết thì bạn chỉ việc gọi điện về nhà cho người thân tìm chiếc Remote dự phòng và đặt gần điện thoại rồi bấm nút mở cửa, tín hiệu của khóa dự phóng sẽ truyền qua điện thoại đến chỗ chiếc xe đang bị khóa và phát lại tín hiệu cho xe mở cửa.
Đầu tiên chúng ta bàn về loại tín hiệu mà điện thoại và xe hơi sử dụng. Sóng mà điện thoại thu được qua Microphone và phát ra qua Loa là sóng âm, micrphone thu lại rung động và loa tái tạo lại rung động thu được.
Còn với xe hơi, việc khóa và mở khóa sử dụng một loại sóng vô tuyến vẫn được sử dụng trong các loại Radio và để thu, phát loại sóng này cần đến những mạch cộng hưởng điện từ từ cuộn cảm và tụ điện gắn với ăng-ten.
Về bản chất, âm thanh là một loại sóng cơ học, nó lan truyền được là nhờ các phân tử khí mà nó tác động vào gây ra dao động vì thế sóng âm thanh không thể truyền trong môi trường chân không (không có vật chất). Việc thu phát loại sóng này được chúng ta thực hiện bằng một màng rung động, cả Microphone và Loa chúng ta vẫn dùng hàng ngày đều có cấu tạo dạng màng rung.
Còn sóng vô tuyến sử dụng điều khiển cửa xe hơi lại có bản chất là sóng điện từ, là muột loại sóng thu phát bằng ăng-ten có thể truyền tốt trong cả chân không và không tạo ra rung động cơ học nào trong không khí cả.
Chính vì 2 thiết bị có bản chất hoàn toàn khác nhau như chúng tôi đã trình bày nên việc dùng một chiếc điều khiển dự phòng của xe hơi ở nhà đặt áp vào micro điện thoại và bấm để truyền tín hiệu sang đầu dây bên kia là điều có thể nó là nực cười bởi sóng Radio không gây rung động cơ học vì thế mà đầu bên kia sẽ chả thể nhận được tín hiệu gì.
3. Mở khóa 50% pin bị ẩn bằng một câu lệnh đơn giản
Theo thủ thuật mà bài viết nói thì khi điện thoại đang ở mốc 0% pin các bạn chỉ cần bấm một USSD code là *3370# rồi bấm gọi là điện thoại sẽ tự động mở lượng pin dự trữ lên tới 50% kia ra và các bạn thoải mái sử dụng.
Điều bất hợp lý ở thủ thuật này có rất nhiều, đầu tiên là việc điện thoại nào có thể đạt tới 0% pin mà vẫn còn hoạt động để thao tác bấm code? mà khi các bạn cắm sạc đủ để bật được máy trở lại thì chỉ số pin cũng đã đạt khoảng vài %.
Điều bất hợp lý thứ 2 là nếu thủ thuật này có thật thì tại sao các ông trùm công nghệ đang phải chạy đua chóng mặt về thời lượng pin trên các loại smartphone lại bỏ qua một "quái chiêu" có thể lập tức tăng gấp rưỡi thời gian sử dụng smartphone mà thể tích pin không tăng thêm tẹo nào?
Trên thực tế, mã code có dạng *3370# được sử dụng trên các đời featurephone của Nokia, những mã USSD code này được thiết kế để điều chỉnh chất lượng âm thanh của điện thoại, trong đó *3370# có tác dụng đẩy chất lượng âm thanh của điện thoại lên cao nhất nhưng đồng nghĩa với việc sẽ tiêu thụ thêm 1 lượng pin nhỏ để bù đắp nên thời gian thoại sẽ giảm đi. Ngoài ra còn có mã *4720# có tác dụng giảm chất lượng âm thanh thoại đi 1 nửa qua đó làm máy tiêu thụ ít năng lượng hơn và tăng thời gian đàm thoại lên khoảng 30%. Đó là nguồn gốc mà thủ thuật siêu phàm này được viết ra.
4. Truy tìm và khóa máy điện thoại bằng ... IMEI
Đây có lẽ là thủ thuật hữu ích nhất mà các bạn có thể thấy trong bài viết nói trên bởi thực sự những gì mà bài viết nói về IMEI là đúng nhưng là ở thời điểm cỡ 20 năm trước đây.
Đầu tiên là việc báo khóa máy bằng IMEI, sau khi các bạn lưu lại IMEI tương tự như số chứng minh thư của chiếc điện thoại và chắc cú khi ai "vô tình" cầm nhầm của mình thì mình có thể gọi lên nhà sản xuất máy điện thoại đó để khóa nó lại. Vậy khi thực sự mất máy các bạn sẽ định gọi cho ai? Apple hay Google hay Samsung?
Hoặc nếu nhà mạng có thể khóa được IMEI để chiếc máy đó ngàn thu vĩnh biệt thì thế giới sẽ có thêm nhiều trò chơi khăm vui vẻ như mượn máy của bạn bè xem IMEI của họ rồi gọi điện lên tổng đài báo mất, vậy là quyền cá nhân bị xâm phạm quá dễ dàng.
Một thức khác có thể xem được từ IMEI đó là quốc gia sản xuất, đây là điều đúng hiếm hoi trong bài viết này bởi nó là quy luật đặt IMEI cho điện thoại kể từ khi cái số này được người ta nghĩ ra và họ vẫn dùng tới tận bây giờ.
Tạm kết
Vậy là một bài viết đơn giản được share lên một trang mạng xã hội nho nhỏ và có tới gần 900 lượt share lại của cộng đồng Mạng Việt Nam rồi nhanh chóng lan truyền khắp thế giới ảo và có tới hàng ngàn người cho tới thời điểm nảy vẫn đinh ninh là mình vừa học được những bài học quá bổ ích vì nó vừa dễ nhớ dễ làm mà hiệu quả lại ngoài sức tưởng tượng.


Một số người chia sẻ những điều không có thật như một bài học quý báu.
Đây có chăng cũng chỉ là một ví dụ rất nhỏ về việc chọn lọc nội dung tiếp thu trên cái gọi là mạng xã hội, nơi có đủ các luồng thông tin trái chiều, thật giả lẫn lộn. Hãy cố gắng tư duy để không bị những kẻ trục lợi từ Facebook dắt mũi.

GenK

Read More : suachuyennghiep.com.:. ID Topic : 70843
Mới hơn Cũ hơn

Comments

Responsive Advertisement